thành ủy từ sơn
Vai trò của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Quốc hội khóa VIII và người đứng đầu Lê Quang Đạo trước yêu cầu lịch sử về sửa đổi, xây dựng Hiến pháp mới

 Hiến pháp là nền tảng pháp lý đặc biệt quan trọng, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc cho mọi nhà nước tồn tại, vận hành và phát triển, nó thường song hành với sự trường tồn của các quốc gia, ít thay đổi nhưng hoàn toàn không bất biến. Việc thay đổi hiến pháp là điều rất cần thiết phải thực hiện không chỉ ở nước ta mà còn là vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ xã hội luôn vận động và phát triển theo thời gian, hiến pháp được ban hành trong quá khứ không thể là vĩnh hằng, áp dụng cứng nhắc cho ngày hôm nay. Lịch sử hiến pháp của các quốc gia trên thế giới cũng đã cho thấy điều đó. Ví dụ như Hoa Kỳ - quốc gia có hiến pháp được coi bền vững bậc nhất thế giới - trong vòng 200 năm từ 1791 tới 1992 đã tiến hành 27 lần nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bình quân 7-8 năm sửa 1 lần. Đức được cho là quốc gia điển hình sửa Hiến pháp, trong vòng 40 năm, từ 1951 đến 1990 sửa tới 38 lần, bình quân mỗi năm gần 1 lần, có năm sửa tới 3 lần.

Ở Việt Nam, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình đất nước có những biến đổi rất sâu sắc. Việc duy trì quá lâu mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp đã dẫn đến đời sống kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng trầm trọng. Với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) xác định phải tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trên mọi phương diện: “đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”[1]. Trong bối cảnh đó, Hiến pháp năm 1980 được xây dựng trên tư duy cũ về chủ nghĩa xã hội của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, với nền kinh tế hai thành phần đã không còn phù hợp với tư cách là đạo luật gốc, cơ sở nền tảng cho sự vận hành phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế nữa. Bởi vậy, đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp.

Quốc hội khóa VIII, Quốc hội mở đầu của quá trình đổi mới, có vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm nặng nề góp phần thực hiện những vấn đề trọng đại có liên quan đến công cuộc đổi mới và vận mệnh của đất nước. Với tư cách là người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Lê Quang Đạo hiểu rất rõ về vai trò và yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VIII, đồng chí nhấn mạnh: “Quốc hội khóa VIII quyết tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, hướng trọng tâm vào việc thực hiện hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, làm việc có hiệu quả, khắc phục chủ nghĩa hình thức, quan liêu, góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”[2]. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, sửa đổi một số điều trong hiến pháp cũ cho phù hợp với tình hình mới là nhiệm vụ trở nền cấp bách hơn bao giờ hết. Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp, đồng chí Lê Quang Đạo đã bám sát đường lối của Đảng, khẩn trương tổ chức, chỉ đạo Quốc hội năng động sáng tạo thực thi chức năng của mình trên tinh thần đổi mới, cố gắng không mệt mỏi tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980 nhằm sớm đáp ứng yêu cầu cách mạng mới của đất nước.

Quá trình sửa đổi, xây dựng Hiến pháp năm 1992 gắn với vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo

Với vai trò là người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện Hiến pháp năm 1992. Đây là một quá trình nghiên cứu, thảo luận lâu dài, chặt chẽ, với tinh thần sáng tạo, đổi mới, dân chủ và trách nhiệm. Điều này thể hiện qua một số nội dung chính sau:

1. Sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980 nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VIII từ ngày 13 đến ngày 22-12-1988). Điều này thể hiện sự đổi mới trong tư duy đối ngoại của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở cửa hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập về kinh tế.

Tháng 6-1988, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VIII thống nhất giao cho Hội đồng Nhà nước chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xem xét sửa Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phù hợp với đường lối đổi mới. Sau quá trình làm việc tích cực, tại kỳ họp thứ tư, tháng 12-1988, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980. Trong đó, nội dung sửa đổi lần này được điều chỉnh từ ngữ phù hợp với đường lối đối ngoại mới của Đảng. Cụ thể không ghi rõ tên thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bọn bá quyền Trung Quốc như Hiến Pháp năm 1980 đã ghi. Thay vào đó, nội dung này được sửa đổi ngắn gọn là “Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghi, hợp tác với tất cả các nước”. Trong bối cảnh đổi mới đất nước, việc tiến hành mở của hội nhập quốc tế, bình thường hóa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, trước hết là với Trung Quốc, trở thành một yêu cầu cấp thiết có tính chiến lược. Thì việc sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980 đã vừa thể hiện tư duy đổi mới về đối ngoại, vừa thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, khôi phục tình hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước. Đây là bước khởi đầu khó khăn, để hóa giải thành công vấn đề thăng trầm nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đó là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta mà Quốc hội và cá nhân đồng chí Lê Quang Đạo tích cực, chủ động đóng góp, với quan điểm làm hết sức mình, “kiên trì chính sách đàm phán để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”[3]. Như vậy, việc sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980, đã đưa đến sự phù hợp trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời kỳ mới, tạo dựng môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định cho công cuộc Đổi mới được tiến hành thuận lợi.

2. Sửa đổi một số điều thuộc Chương IX của Hiến pháp năm 1980 (Điều 57, 115, 116, 118, 122, 123 và 125) về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Điều này có ý nghĩa pháp lý quan trọng cho việc thông qua dự án sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thông qua tại kỳ họp thứ 5 từ 19 đến 30-6-1989

Tại kỳ họp thứ 4 (12-1988) đồng thời với việc thông qua Nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu, Quốc hội khóa VIII cũng đã thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 16 đồng chí. Trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng với Quốc hội làm việc khẩn trương, đẩy mạnh xây dựng và chỉnh lý nhiều lần Bản dự thảo, dự kiến trình Quốc hội xem xét bổ sung tập trung vào một số điều về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước thuộc năm chương của Hiến pháp, từ Chương VI đến Chương X. Từ thực tiễn nghiên cứu, đồng chí Lê Quang Đạo cùng với Ủy ban dự thảo thấy rằng Hiến pháp là bộ luật cơ bản của Nhà nước, phải thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong một thời gian tương đối dài, là tổng thể gắn bó gồm các chương, điều, khoản, có quan hệ hữu cơ với nhau. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước phải đặt trong khuôn khổ đổi mới chung hệ thống chính trị và gắn chặt với cơ chế quản lý kinh tế - xã hội. Vì vậy đòi hỏi phải có thời gian và làm thận trọng từng bước. Tuy nhiên, để làm cơ sở thông qua thông qua dự án sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cuối năm 1989, thay mặt Ủy ban dự thảo đồng chí Lê Quang Đạo đã có bài phát biểu về sửa đổi, bổ sung một số điều Điều 57, 115, 116,118, 122, 123 và 125 thuộc Chương IX Hiến pháp năm 1980 và trình Quốc hội, với những điểm đổi mới, cần thiết chủ yếu tập trung vào mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, đồng thời nâng cao hiệu lực điều hành của Ủy ban nhân dân. Và đã được Quốc Hội khóa VIII thông qua Nghị quyết sửa đổi. Việc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Điều 57, 115, 116,118, 122, 123 và 125 thuộc Chương IX Hiến pháp năm 1980, đưa đến kết quả hai đạo luật về Hội đồng nhân dân và Ủy bản nhân dân cũng được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1989 đã thể chế hóa tinh thần đổi mới, tinh thần mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò hiệu lực của các cơ quan dân cử, của cơ quan chính quyền các cấp; là kết quả của quá trình nỗ lực làm việc tích cực của của Ủy ban dự thảo và cá nhân đồng chí Lê Quang Đạo, được sự nhất trí cao trong Quốc hội, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của toàn dân.

3. Sửa đổi, bổ sung toàn diện và căn bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành Hiến pháp năm 1992 kịp thời đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII ngày 15-4-1992

Sau khi nghiên cứu lại toàn bộ các quy định Hiến pháp, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp thấy cần phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980 một cách toàn diện và căn bản. Đây là một trọng trách nặng nề, trong khi yêu cầu thời gian hoàn thành đặc biệt gấp gáp, phải tiến hành song song với việc dự thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế của Đảng. Bởi vậy, cũng tại kỳ hợp thứ 5 Quốc hội khóa VIII (30-6-1989), Ủy ban dự thảo đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban mới với thành phần rộng hơn để làm nhiệm vụ này. Đề nghị đúng đắn này nhanh chóng được Quốc hội khóa VIII thông qua. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 28 thành viên, do Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công làm Trưởng ban, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo làm Phó Trưởng ban Thường trực[4].  

Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban đã bắt tay vào việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Hiến pháp. Cuối năm 1989, đồng chí Lê Quang Đạo cùng Ban soạn thảo Hiến pháp ra Đồ Sơn Hải Phòng để để hoàn thành bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đây cũng là thời điểm Liên Bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết, thành trì đầu tiên chủ chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Điều này không khỏi làm đồng chí Lê Quang Đạo bàng hoàng. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, đồng chí càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp một cách cấp bách cho kịp đáp ứng với đường lối đổi mới của Đảng. Đây là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng khoảng về chính trị, xã hội ở nước ta lúc bấy giờ. Mặt khác, để đảm bảo Quốc hội là cơ quan quyền lực thực sự và cao nhất của Hiến pháp, chức năng của Chủ tịch Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, quan hệ của Quốc hội với Chính phủ phải có sự thay đổi cơ bản. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Trên tinh thần trách nhiệm cao độ và quan điểm nhất quán đó đồng chí Lê Quang Đạo và các thành viên trong Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã làm việc không mệt mỏi để sớm hoàn thành trọng trách được giao phó. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên và thông qua toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Sau hai lần dự thảo, lần 1 tháng 5 -1990, Ủy ban sửa đổi hiến pháp đã chỉnh lý thành bản dự thảo lần thứ hai trình Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong cả nước. Cuối năm 1991, đầu năm 1992, bản dự thảo Hiến pháp lần thứ ba đã được đưa ra trưng cầu ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân và ý kiến của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo Hiến pháp lần thứ tư đã hoàn thành và được trình lên Quốc hội khóa VIII tại kỳ họp thứ 11 để xem xét. Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi với những bổ sung, chỉnh lý nhất định, ngày 15-4-1992, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1992 gồm Lời nói đầu, 12 chương, 147 điều. Mặc dù về số lượng chương và điều của Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 là bằng nhau, Quốc hội đã sửa đổi Hiến Pháp năm 1980 cho phù hợp với tình hình mới chứ không phải làm Hiến pháp mới. Song thực tế như đồng chí Lê Quang Đạo đã nói: “Hiến pháp năm 1980 đã được thay đổi nhiều nên Hiến pháp (sửa đổi) gọi là Hiến pháp năm 1992. Có những vấn đề đã thay đổi hoàn toàn mới như chương về chế độ kinh tế. Có những vấn đề thay đổi quan trọng như chương tổ chức bộ máy nhà nước. Có những vấn đề cơ bản được xác định như vấn đề dân chủ và quyền công dân…”. “Sự thay đổi quan trọng nhất của Hiến pháp năm 1992 là xác định rõ về chế độ kinh tế: phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sự thay đổi quan trọng thứ hai của Hiến pháp năm 1992 là đi đôi với việc phát huy hơn nữa nền dân chủ ở nước ta tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”[5]. Do đó có thể nói Hiến pháp đã được sửa đổi cơ bản và toàn diện.

Một số nhận xét

Từ quá trình nghiên cứu về vai trò của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo với công tác xây dựng Hiến pháp năm 1992, dưới góc nhìn cá nhân, nhóm tác giả đưa ra một số nhận xét.

1. Quá trình sửa đổi, xây dựng Hiến pháp năm 1992 được thực hiện trong một thời gian dài, công phu và được triển khai một cách thận trọng, từng bước. Hiến pháp năm 1992 là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, những nội dung chủ yếu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cho đến năm 2000” do Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra, là công trình pháp lý lớn thể hiện giai đoạn phát triển mới của Lịch sử lập hiến Việt Nam. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Nhà nước Việt Nam đã từng bước đổi mới về chất và toàn bộ hệ thống Pháp luật. Và có thể nói, Hiến pháp năm 1992 đã đặt nền móng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

2. Là người đứng đầu cơ quan lập hiến, Quốc hội khóa VIII và đồng chí Lê Quang Đạo đã hoàn thành trọng trách to lớn trong việc tổ chức nghiên cứu, thảo luận và thông qua Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tạo cơ sở pháp lý hết sức cần thiết cho bước chuyển biến mang tính cách mạng của xã hội từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách bộ máy nhà nước, dân chủ hóa một bước cơ bản mọi mặt đời sống xã hội. Việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 1992 là một quá trình thảo luận dân chủ và chắt lọc một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân về tất cả các nội dung của Hiến pháp từ quan điểm chung đến các vấn đề cụ thể. Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước, mà ở đó trước hết là công lao đóng góp to lớn, là quá trình thực hiện một cách nghiêm túc, tích cực, không mệt mỏi của các thành viên trong Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và cá nhân đồng chí Lê Quang Đạo với tư cách là người đứng đầu Quốc hội khóa VIII - Phó Trưởng ban Thường trực Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Những kinh nghiệm thực tế mà đồng chí Lê Quang Đạo đúc rút được đã được gửi gắm trong bản Hiến pháp mới năm 1992, một sự thể chế hóa tổng quát nhất của đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VIII, đồng chí đã dốc sức hoàn tất mọi việc của Quốc hội để chuẩn bị chuyển giao cho Quốc hội khóa IX. Phần đóng góp nổi bật nhất của Lê Quang Đạo được Quốc hội và cử tri đánh giá cao là Bản Hiến pháp sửa đổi năm 1992 phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đã được Quốc hội khóa VIII nhất trí thông qua 100% tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa VIII. Với thành công và cống hiến đó mà nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo nhân dân phát biểu ý kiến muốn đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục ở lại làm Chủ tịch Quốc hội khóa nữa.

3. Những công lao của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong quá trình hoàn thành bản Hiến pháp năm 1992 đã góp phần to lớn vào lịch sử nền lập Hiến Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là hiến pháp sau thời kỳ chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng ở nhiều nước, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới toàn diện lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước cải cách về chính trị trên nhiều phương diện cho phù hợp, đã đảm bảo phát triển về kinh tế và ổn định về chính trị. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, luôn phải đối mặt với yêu cầu đổi mới để hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa, phải đảm bảo sự thay đổi mạnh mẽ, thường xuyên về kinh tế và chậm chắc về chính trị nhưng không thể giữ nguyên những cái cũ đã trở thành lỗi thời. Vấn đề quan trọng thiết thực nhất luôn đặt ra đối với mọi loại hình hiến pháp là làm sao đổi mới kịp thời những đòi hỏi của chế độ hiến pháp được tôn trọng, bảo đảm trong thực tế, góp phần hoàn thiện thể chế dân chủ đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.

4. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), đất nước đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng tình hình trong nước, khu vực và quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp hơn. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua xác định phải “Tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013”. Đây là nhiệm vụ to lớn đặt ra cho nền lập hiến, lập pháp Việt Nam trong thời gian tới.

                                                                                           Tác giả: Lê Văn Nam - Nguyễn Thị Ngọc Diễn

 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH ỦY TỪ SƠN

Địa chỉ: Số 10 Lý Thái Tổ, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại :0222.383.5717

Email :dangbotuson@bacninh.gov.vn

thành ủy từ sơn

image banner