thành ủy từ sơn
Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình tới sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự

Đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng, người con ưu tú của quê hương Từ Sơn - Bắc Ninh.

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3 tháng 12 năm 1908 trong gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, nay là xóm Xanh, khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần, ý chí tiến công cách mạng, ham học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Đồng chí đã đi vào lịch sử như một nhà lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động, một chiến sĩ cộng sản có tầm nhìn chiến lược, tu duy khoa học nhạy bén, một nhà chính trị có bản lĩnh kiên định, luôn biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng như sau: “...Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng oanh liệt hy sinh và nêu gương chói lọi về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Đến nay đã có nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, các nhà khoa học nói về đạo đức cách mạng về cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam. Ở bài viết này, tôi xin làm rõ thêm một số nét về sự ảnh hưởng của truyền thống quê hương gia đình tới sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự. Bài viết có hai phần:

Phần một: Truyền thống quê hương ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Ngô Gia Tự.

Phần hai: Truyền thống gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Ngô Gia Tự.

Phần I: Truyền thống quê hương ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Ngô Gia Tự.

1.Truyền thống khoa bảng, hiếu học:

Bắc Ninh – Kinh Bắc là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời, thời Hùng Vương – An Dương Vương thuộc bộ Vũ Ninh trong nhà nước Văn Lang; thời Lý có tên là lộ Bắc Giang; sang thời Lê mang tên Bắc Đạo năm 1469; dưới triều Lê Thánh Tông đổi tên thành Trấn Kinh Bắc; đến triều Nguyễn năm 1823 đổi tên thành Trấn Bắc Ninh, năm 1831 đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến 844 năm (1075-1919), xứ Bắc Ninh – Kinh Bắc có gần 700 người đỗ đại khoa. Đối với Từ Sơn, theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú khẳng định “Về khoa mục thì phủ này (tức phủ Từ Sơn) đứng đầu cả nước, năm huyện đều có người đỗ đầu nhưng huyện Đông Ngàn nhiều hơn”. Cả thành phố có 21 trên 33 làng có người đỗ bậc đại khoa. Trong hơn 400 người đỗ đại khoa của cả tỉnh Bắc Ninh (đã trừ một số người đỗ đại khoa ở các địa phương bị chia tách) thì thành phố Từ Sơn có 103 vị đỗ đại khoa, trong đó có 5 trạng nguyên. Trong số 103 vị đỗ đại khoa của thành phố Từ Sơn, tổng Tam Sơn có 22 người đỗ đại khoa, làng Tam Sơn – quê hương đồng chí Ngô Gia Tự có 17 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 trạng nguyên là trạng nguyên Khai hoa Nguyễn Quán Quang (1246) và trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu 1518 (đỗ năm 19 tuổi).Viết về nơi có nhiều người đỗ đạt, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “...nơi đây nối đời có người đỗ đạt cao, xét trong khoa bảng, huyện Đông Ngàn chỉ có xã này có đủ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa)”.

Đồng chí Ngô Gia Tự được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo giữa một vùng quê có truyền thống khoa bảng, hiếu học, do đó từ bé đồng chí đã được cha là cụ Ngô Gia Du, nhân dân thường gọi là cụ đồ Du giáo dục truyền thống khoa bảng, hiếu học của quê hương. Có lần cụ đồ Du dẫn Ngô Gia Tự đến nhà thời Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu (một dòng họ Ngô khác của Tam Sơn), Ngô Gia Tự đã hỏi cha: thưa cha, quan Trạng ở đâu?Quan Trạng có là anh hùng không?

Năm 1916, lúc 8 tuổi, Ngô Gia Tự được vào học trường Tiểu học phủ Từ Sơn và thi đỗ bằng sơ học yếu lược. Năm 1919 đến 1922, Ngô Gia Tự học ở trường kiêm bị Bắc Ninh. Ngô Gia Tự là học sinh ngoan, học giỏi toàn diện. Sau khi tốt nghiệm trường kiêm bị Bắc Ninh, Ngô Gia Tự thi vào trường Trung học Bưởi Hà Nội và trúng tuyển với điểm rất cao. Học trường Bưởi, Ngô Gia Tự học rất giỏi, được thầy giáo và bạn bè quý trọng. Họ thường gọi Ngô Gia Tự là “thần đồng”, tuy cùng học nhưng nhiều khi bạn bè thường nhờ Ngô Gia Tự giảng giải bài văn, bài toán khó.

2.Truyền thống yêu nước

Suốt mấy ngàn năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Bắc Ninh đã có nhiều đóng góp xương máu cùng cả nước đánh đuổi kẻ thù xâm lược để giữ vững độc lập chủ quyền của tổ quốc, quê hương. Bắc Ninh, Từ Sơn là quê hương phát tích vương triều Lý, một vương triều thịnh trị với 9 đời vua, trị vì 216 năm (009-1225), xây dựng nên nền văn minh Đại Việt, nổi tiếng với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt được coi như bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt...

Ở Tam Sơn – quê hương đồng chí Ngô Gia Tự , truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã có từ rất sớm. Thời Hùng Vương thứ 6, nhân dân đã ủng hộ, đi theo Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Thế kỷ thứ VI, nhân dân đã hăng hái theo 2 vị Trương Hống, Trương Hát là tướng của Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược. Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ở Tam Sơn có cụ Ngô Văn Sinh (xóm Tây) chiêu mộ nghĩa sĩ tham gia phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa. Cụ Ngô Sách Điều (Phó Điều) lên Yên Thế từ sớm, sau đó có nhiều người khác đã tham gia khởi nghĩa Yên Thế. Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước ở Tam Sơn phát triển mạnh mẽ, cụ Ngô Gia Du từ Yên Thế về, định xuất ... sang Nhật nhưng không thành. Cụ tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục làm giáo viên đến khi trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội đóng cửa, cụ trở về làng dạy học([1]). Có thể nói thời nào ở Tam Sơn cũng có anh hùng hào kiệt có tinh thần yêu nước, học rộng tài cao, thật đúng như câu ca trong dân gian vẫn lưu truyền:

“Tam Sơn là đất ba gò

Của trời vô tận, một kho nhân tài”

Hay như trong một vế đối của cụ đồ làng Tam sơn với cụ đồ làng Vọng Nguyệt như sau([2]):

“Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn

Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”

 “Gái Vọng Nguyệt trông trăng Vọng Nguyệt

 Nguyệt nguyệt bằng thục nữ thuyền quyên”

Cụ Ngô Gia Du – bố của đồng chí Ngô Gia Tự là hậu duệ đời thứ 6 của họ Ngô Gia (Trước kia là họ Ngô Văn (cụ đời 1 là Ngô Văn Đạo)) đến đời thứ 5 thì đổi thành Ngô Gia (ghi theo hệ phả Ngô Gia do cụ Ngô Gia Hiển 92 tuổi – cháu gọi đồng chí Ngô Gia Tự là chú ruột và đồng chí Ngô Gia Lâm – cháu gọi đồng chí Ngô Gia Tự là ông). Cụ Ngô Gia Du theo học chữ nho, thi tam trường nhưng không đậu, trở về quê cụ làm nghề dạy học. Cụ tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục do nhà yêu nước Lương Văn Can, Nguyễn Quyền khởi xướng và lãnh đạo. Sau đó, cụ đã tìm cách tiếp cận con đường cách mạng, nuôi ý chí cứu nước, cứu dân nhưng không thành. Để tránh sự truy bắt của thực dân Pháp đối với những sĩ phu yêu nước không chịu cộng tác với địch, cụ đã phải giả ngây giả dại để tránh sự truy lùng, khủng bố của kẻ thù.

 Sống trên quê hương có truyền thống yêu nước và trực tiếp chứng kiến những khổ cực, lầm than của nhân dân dưới sự cai trị hà khắc của đế quốc Pháp và triều đình phong kiến. Ngô Gia Tự đã sớm nhận thức được sự tàn ác và cai trị hà khắc của đế quốc Pháp và phong kiến là nguyên nhân của sự nghèo khổ của dân chúng là nguyên nhân dẫn đến nhiều phong trào yêu nước nổ ra ở khắp các vùng miền. Khi còn học ở trường Bưởi, Ngô Gia Tự đã từng bước biến lòng yêu nước thành những hành động cách mạng cụ thể như khám phá tìm tòi điều mới lạ thông qua việc bí mật truyền tay nhau đọc báo “Người cùng khổ”, “Bản án chế độ thực dân Pháp” do Nguyễn Ái Quốc bí mật truyền từ nước ngoài về; Ngô Gia Tự cũng đã tích cực tham gia các hoạt động bãi khóa phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu, tham gia biểu tình bãi khóa nhân cuộc để tang nhà yêu nước, chí sĩ Phan Châu Trinh.

Phần II: Ảnh hưởng của truyền thống gia đình tới sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Ngô Gia Tự

Theo cụ Ngô Gia Hiển (sinh năm 1932) – cháu gọi đồng chí Ngô Gia Tự là chú ruột (hiện sống tại xóm Xanh, khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn) cho biết: Họ Ngô Gia đến nay là đời thứ 11, đồng chí Ngô Gia Tự là đời thứ 7, cụ thân sinh ra đồng chí Ngô Gia Tự là Ngô Gia Du vốn là nhà nho yêu nước không đỗ đạt nhưng kiên quyết không hợp tác với giặc Pháp và triều đình phong kiến, không những thế, cụ còn tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cụ đã mở lớp dạy học để truyền dạy kiến thức cũng như tinh thần yêu nước cho nhân dân trong vùng. Tinh thần yêu nước của cụ Ngô Gia Du được thể hiện bằng việc cụ đã viết đôi câu đối tại cổng nhà “Cổng như chợ”:

“Cửa độc lập ra tay đóng mở

Nhà tự do mặc sức ra vào”

Qua đôi câu đối cụ Du viết trên cửa nhà mình đã thể hiện rõ khát khao tự do độc lập của cụ to lớn, cháy bỏng trong bối cảnh nước mất, quê hương bị bọn thực dân phong kiến đô hộ.

Khi Ngô Gia Tự bị đuổi học do tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại trường Bưởi, đồng chí rất bình thản, ung dung, không hề nuối tiếc bởi vì anh có lòng yêu nước thiết tha, đã tìm ra con đường cách mạng qua đọc báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc.

Trở về quê hương, Ngô Gia Tự noi theo cha, đồng chí tích cực tham gia lao động sản xuất, mở lớp dạy học tư không lấy tiền thù lao nhằm mục đích tập hợp thanh thiếu niên để tuyên truyền, vận động anh chị em lên đường đấu tranh, giành quyền sống, quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng chí đã xin phép cha là cụ Ngô Gia Du sửa lại câu đối ghi ở cổng, từ “Cổng độc lập tha hồ khép mở’ thành “Cửa độc lập ra tay đóng mở” để nhấn mạnh ý chí độc lập tự chủ của mình do mình tự quyết định lấy, không thể có sự can dự, chi phối của người khác. Ý chí và sự quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà mình đã tìm thấy sau khi đọc cuốn “Đường cách mệnh” và báo “Người cùng khổ” của Ngô Gia Tự còn được thể hiện rõ nét ở câu chuyện giữa Ngô Gia Tự và anh trai Ngô Gia Lễ (chi huyện Tứ Kỳ - ghi theo hệ phả họ Ngô Gia), khi đó ông Ngô Gia Lễ là con trưởng cùng cha khác mẹ với đồng chí Ngô Gia Tự đang là chi phủ thấy Ngô Gia Tự tham gia các hoạt động “quốc cấm” đã rất lo và hết lời can ngăn em. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, Ngô Gia Tự một mực nói “Em đã lớn, anh đừng lo cho em. Em không thể theo con đường của anh, còn đế quốc xâm lược, em không thể ngồi yên”.

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự chúng ta thấy đồng chí là một tấm gương, một hình mẫu về tài năng, khí phách của một người cộng sản yêu nước, yêu dân, con người có ý chí quyết tâm, có tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng. Những phẩm chất đó của đồng chí Ngô Gia Tự được hình thành và phát triển bởi nhiều yếu tố, trong đó, sự tác động và ảnh hưởng khá lớn bởi truyền thống khoa bảng, hiếu học, yêu nước của quê hương Từ Sơn – Bắc Ninh và của gia đình.

                                                                                                                                 Tác giả: Lê Văn Nam

([1]) Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tam Sơn, NSX Hồng Đức, XB 2019

([2]) Tục truyền về hai cụ Đồ làng Tam Sơn và làng Vọng Nguyệt đối nhau (Tam Sơn truyền thống và hiện tại)

 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH ỦY TỪ SƠN

Địa chỉ: Số 10 Lý Thái Tổ, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại :0222.383.5717

Email :dangbotuson@bacninh.gov.vn

thành ủy từ sơn

image banner