thành ủy từ sơn
Tự chỉ trích - tác phẩm xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nền tảng cơ bản của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ thủa nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng ham học, hay chữ, có chí kế thừa tinh thần yêu nước của cha ông. Năm 17 tuổi là học sinh trường Bưởi, đồng chí đã tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đẩu năm 1928, đồng chí được kết nạp vào chi bộ hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ là bí thư, bị mật thám phát hiện và bị đuổi học (tháng 5/1928). Trở về quê, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã liên hệ với chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Lỗ, tiếp tục hoạt động và được đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trực tiếp giới thiệu, giảng giải cho Nguyễn Văn Cừ về tác phẩm Đường cách mệnh và nhiều tài liệu quan trọng khác của hội, của Nguyễn Ái Quốc. Ngày 8/8/1928, kỳ bộ Bắc Kỳ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp hội nghị tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự tại Tam Sơn và ra chủ trương đưa hội viên đi vô sản hóa. Nguyễn Văn Cừ được cử đi vô sản hóa ở Vàng Danh.

Quá trình đi vô sản hóa và trực tiếp gây dựng phong trào cách mạng theo sự phân công của tổ chức đã giúp cho Nguyễn Văn Cừ nhìn nhận bộ mặt thật, tàn ác của chủ nghĩa đế quốc và nỗi đau khổ của người dân mất nước. Cuối tháng 2/1930, Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí khác tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của khu mỏ Mạo Khê trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Có thể nói, với khả năng bẩm sinh thông minh, nhanh nhẹn lại sớm được tiếp thu tinh thần yêu nước căm thù giặc của quê hương và được sự giúp đỡ, giảng giải của lớp đàn anh đi trước như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh v.v… cộng với sự khổ luyện trong phong trào vô sản hóa, Nguyễn Văn Cừ đã sớm tích lũy cho mình những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng vô sản; thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; trước những vấn đề mới đặt ra của cách mạng Việt Nam, tuy chưa được học hành đầy đủ nhưng với trí thông minh, sự nỗ lực, cố gắng và chí tiến thủ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tìm thấy cho mình con đường làm cách mạng đúng đắn thông qua các bài báo của báo Thanh niên, tác phẩm Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc và Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo và thông qua hội nghị tháng 10/1930. Nhãn quan chính trị sắc bén và khoa học, cùng với phương pháp luận macxit của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được thể hiện sâu sắc trong một số bài viết, bài nói chuyện của đồng chí khi xây dựng phong trào cách mạng, trong đó nổi bật là tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí, viết, xuất bản, phát hành vào ngày 20/7/1939 tại Hà Nội trước khi đồng chí vào nam chuẩn bị cho hội nghị trung ương. Tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhằm mục đích làm cho mỗi đảng viên hiểu đúng, hiểu rõ, “trước hết phải hiểu thế nào là tự chỉ trích Bôn - sơ – vích”. “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích nhưng phải có nguyên tắc”, “vì Đảng còn trẻ tuổi nên còn phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sự sai lầm; điều ấy Đảng luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi”… (trích tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ).

Mục đích của tự chỉ trích là “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế ko phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”. Những đúc rút về nguyên tắc, mục đích của “Tự chỉ trích” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu trên xuất phát từ cái nhìn khách quan, khoa học, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và một số vấn đề thực tế lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trước một số thất bại, sai lầm của tổ chức khi lãnh đạo quần chúng tham gia cuộc bầu cử hội động quản hạt, làm cho một số đảng viên có cái nhìn phiến diện, lệch lạc, suy diễn theo ý nghĩ chủ quan, từ đó, hoặc là mắc bệnh tả khuynh (chủ trương “đánh đổ Đảng lập hiến”của anh Tạo), hoặc là mắc bệnh hữu khuynh (“không đánh đổ một đảng phái nào, một giai cấp nào của người bản xứ”của anh TB).

Có điều đáng chú ý là những nhận định, quan điểm trên không phải là chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương mà chỉ là ý nghĩ chủ quan của cá nhân vài người nhưng lại được đưa lên đăng ở Đông Phương tạp chí số 6, hay đăng ở Dân Chúng số 67, 68, 69. Từ đó làm cho kẻ thù lầm tưởng sự chia rẽ trong nội bộ Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Sự tự chỉ trích Bôn sơ vích nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng ngày càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi, chớ không phải đặt mình lên trên Đảng.

*Vận dụng tác phẩm tự chỉ trích trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình, phê bình hiện nay

Trong các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng thì nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong cuốn sách Đảng cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh, một trong những yêu cầu cao nhất của một chiến sĩ cộng sản là phải biết “cả quyết sửa lỗi mình”. Tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã kế thừa và phát triển tinh thần ấy đó chính là sự mạnh dạn nhận khuyết điểm của mình và kiên quyết sửa chữa khắc phục khuyết điểm đó.

Thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI, XII, đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã thẳng thắn nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau như: Phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng… Để khắc phục những nhược điểm đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể đặc biệt là sự hoạt động có hiệu quả của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Trong báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã nêu: Trong 10 năm UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 270 tổ chức Đảng; gần 168.000 đảng viên, trong đó hơn 7.309 bị kỷ luật do tham nhũng; Ban chấp hành Trung ương kỷ luật 170 cán bộ do Trung ương quản lý. Trong đó: 33 Ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp Tướng… Bên cạnh những giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng tiêu cực, tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, đẩy mạnh thực hiện kết luận số 01 của Bộ chính trị, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ta vẫn coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong tổ chức sinh hoạt Đảng. Đây là nguyên tắc quan trọng góp phần làm cho Đảng ta ngày càng đoàn kết, thống nhất hơn. Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ đảng viên phải chú ý một số khía cạnh sau:

Thứ nhất là, phải tự phê bình mình trước, phê bình đồng chí, đồng đội sau, mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên tự xem xét bản thân trong việc tu dưỡng, rèn luyện trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình được giao trước khi phê bình người khác, tránh trường hợp bản thân thì chưa gương mẫu, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng lại cứ đi phê bình người khác.

Thứ hai là, không được lợi dụng phê bình để trì chiết, mạt sát sau gây mất đoàn kết nội bộ, khi phê bình phải mang tính lịch sử, khách quan dùng từ ngữ, thái độ đúng mực, chân thành từ đó làm cho người bị phê bình dễ tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm.

Thứ ba là, động cơ tự phê bình và phê bình phải trong sáng, không vụ lợi. Tránh trường hợp khi đồng chí có lỗi không phê bình ngay mà để đến lúc sắp “bầu cử, đại hội” mới phê bình làm giảm uy tín nhằm phục vụ lợi ích nhóm.

Thứ tư là, coi tự phê bình và phê bình là một trong những quy luật vận động, phát triển của Đảng, đây được coi là việc làm thường xuyên, liên tục của Đảng, đấu tranh phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ người chiến sĩ cộng sản kiên cường, lãnh tụ xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, tuy không được đào tạo trong trường lớp nhưng bằng thực tiễn trong lãnh đạo cách mạng. Tư chất thông minh nhạy bén và những tài liệu của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng chí đã có đóng góp to lớn trong sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng giai đoạn 1937 -1939. Đặc biệt đồng chí đã để lại cho Đảng, cho dân tộc tác phẩm “Tự chỉ trích”, một tác phẩm lý luận chính trị mang tính kinh điển về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Một số nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng quan trọng góp phần làm tăng cường niềm tin; tăng cường củng cố về sự đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức Đảng, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, giai đoạn đổi mới hội nhập và phát triển.

                                                                                                                       Tác giả: Lê Văn Nam

 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH ỦY TỪ SƠN

Địa chỉ: Số 10 Lý Thái Tổ, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại :0222.383.5717

Email :dangbotuson@bacninh.gov.vn

thành ủy từ sơn

image banner