thành ủy từ sơn
Văn hóa, xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo

Cũng như các vùng quê truyền thống khác của người Việt, người dân Từ Sơn sống tập trung thành từng làng, xung quanh làng là lũy tre bao bọc. Mỗi làng đều có cây đa, giếng nước, mái đình. Trong quá trình lao động xây dựng quê hương, người dân các làng xã ở Từ Sơn đã gắn bó chặt chẽ với nhau, hình thành nên một cộng đồng chung, với những thiết chế bền chặt, vừa mang yếu tố láng giềng, vừa mang yếu tố huyết thống. Ngoài gia đình và dòng họ, mỗi làng xã được chia thành các phường, hội, phe, giáp, xóm ngõ nhỏ. Với những thiết chế ấy, cộng đồng làng xã luôn được duy trì một cách bền vững bởi mối quan hệ thân tộc huyết thống và mối quan hệ láng giềng thân thiện.

Mặc dù các làng xã ở Từ Sơn có xuất xứ riêng, độc lập tương đối với nhau nhưng do địa bàn cư trú và canh tác cạnh nhau, lại có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái nên trong quá trình phát triển, từ xa xưa mối quan hệ giữa các làng đã được xây dựng đến rất thân thiện, thể hiện trong sinh hoạt giao lưu văn hoá, kinh tế, trong hôn nhân, huyết thống và cả trong quan hệ láng giềng... Tất cả đã được biểu hiện ra một cách sinh động thông qua các tục kết bạn, qua sinh hoạt hội, họ, như hội đồng niên, hội đồng khoa, phường thợ, phường tuồng, cao hơn nữa là qua tục kết chạ giữa các làng với nhau.

Từ Sơn có một nền văn hóa dân gian truyền thống rất phong phú đặc sắc. Trong các truyện thần kỳ có Mỵ Nương-Trương Chi mang đậm màu sắc trữ tình. Mỗi chi tiết trong truyện đều gắn với một địa danh trên đất Từ Sơn. Sông Tiêu Tương nơi chàng Trương Chi chèo đò ngân vang tiếng hát làm cho nàng Mị Nương say đắm mê hồn. Ngọn núi Tiêu được nhân dân cho là nơi mất của Trương Chi, còn làng Tam Sơn, một trong những làng có truyền thống khoa bảng vào bậc nhất của đất Bắc Ninh, được coi là nhà của quan Thừa tướng cha của Mỵ Nương. Về truyền thuyết Thánh Gióng, dân làng Phù Chẩn kể rằng: khi Thánh Gióng cưỡi ngựa đánh giặc, ngựa sắt đã phun lửa làm cháy cả một vùng, vì thế làng đó ngày nay vẫn được gọi là làng Cháy (Rích Gạo). Người dân làng Thọ Trai (Giai) vẫn tin rằng ngựa sắt của Thánh Gióng đã đi qua làng họ và dấu chân ngựa sắt đã tạo thành những ao hồ tồn tại đến thời nay.

Từ Sơn là nơi có nhiều lễ hội và làng xã nào cũng có lễ hội truyền thống, với tất cả 49 lễ hội trên địa bàn thị xã. Lễ hội truyền thống thường được tổ chức vào hai mùa xuân, thu: “xuân, thu nhị kỳ”. Mùa lễ hội mùa xuân ở Từ Sơn được mở đầu bằng hội làng Đồng Kỵ, diễn ra từ ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch, kết thúc là hội đền Đô (Lý Bát Đế) vào ngày 15 tháng Ba âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trong bầu không khí thiêng liêng, thành kính thờ thần thành hoàng của làng. Đó là dịp để dân làng làm lễ tạ ơn thần, kính cáo với các Ngài về những thành quả lao động của dân làng trong một năm và cầu xin thần phù hộ cho dân làng năm tới được “nhân khang vật thịnh”, mùa màng tốt tươi... Thành hoàng chủ yếu là nhân thần, đó các vị anh hùng (trong truyền thuyết và trong lịch sử) có công chống ngoại xâm cứu dân, giúp nước, hay những người có công khai thiên lập địa, các vị tổ nghề. Lễ hội thường tổ chức lễ rước và diễn tả lại các chiến công của những vị anh hùng. Hội Đền Đô hàng năm thường chọn thanh niên đóng giả nam tướng và nữ tướng để rước thánh mẫu và Bát Đế từ đền Đô đến chùa Cổ Pháp, rồi lại rước từ chùa về đền. Còn hội làng Đồng Kỵ, ngày 4 tháng Giêng, gắn với sự tích vị tướng Thiên Cương thời Hùng Vương. Vào ngày 4 tháng Giêng, từ giờ Mùi đến giờ Dậu, dân làng đốt pháo để mừng chiến công của Thiên Cương, người được tôn làm Thành Hoàng làng.

Phần hội diễn ra sôi nổi, vui tươi, hào hứng, thu hút rất nhiều người tham gia và tạo nên tính hấp dẫn của lễ hội. Mỗi hội làng đều có những tục, trò đặc trưng như hội pháo, đấu vật, đánh cờ người, chơi tổ tôm điếm, thi làm bánh dày ở Đồng Kỵ, Đình Bảng, Trang Liệt, Phù Lưu…; thi đọc mục lục, thi cỗ ở Phù Khê Hội cũng có thể chỉ là những trò chơi dân gian đơn giản như đánh đu, tranh cây ôm cột… Lễ hội còn là dịp để những người con đi xa trở về xum họp nơi quê cha đất tổ. Lễ hội là một nét đẹp truyền thống của mỗi làng quê, một hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Từ Sơn.

Văn nghệ dân gian được biểu diễn trong các lễ hội và trong cuộc sống đời thường. Các loại hình văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng như tuồng, chèo, quan họ, múa rối, ả đào.

Nghệ thuật múa thường chỉ có trong các lễ hội và gắn với các môn nghệ thuật truyền thống khác, như hát ả đào, chèo, tuồng. Ở Từ Sơn nổi tiếng nhất là điệu múa bài bông trong hát ả đào. Ở Đồng Kỵ, khi diễn lại cảnh đánh giặc của thánh Thiên Cương, có ông đám được công kênh ra giữa sân đình rồi cùng với quân sỹ vừa múa vừa hò reo. Diễn chèo Chái Hê ở Tam Sơn cũng được biểu diễn cùng những động tác múa. Đặc sắc nhất trong các điệu múa là múa sư tử, còn được gọi là múa lân. Rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáoTừ Sơn. Trước đây đã từng nhà rối nước cố định, trong đó có quy mô lớn và đẹp là ở Tam Sơn. Hát ả đào xuất phát từ cung đình, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp trên, những người có chức sắc và những người giàu có. Làng Lỗ Khê trước kia rất nổi tiếng về môn nghệ thuật này.

Quan họ là đặc trưng riêng biệt, tạo nên bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc. Trong các lễ hội, một hình ảnh đã trở thành biểu trưng của văn hóa quan họ đó là hình ảnh các liền chị mặc áo mớ ba mớ bảy, đội nón quai thao, tóc vấn đuôi gà, cạnh các liền anh áo the khăn xếp, tay cầm ô đen đứng duyên dáng và hát đối đáp với nhau. Từ khi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại (2009), hát quan họ càng được xã hội quan tâm, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân địa phương, nhất là trong các dịp hội làng truyền thống hàng năm.

Về tôn giáo, tín ngưỡng. Từ Sơn có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Phật giáo du nhập vào Từ Sơn từ đầu công nguyên theo nhiều ngả khác nhau. Vào thời Bắc thuộc, hai dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đã phát triển mạnh mẽ ở Từ Sơn. Vào thế kỷ thứ X, chùa Tiêu có tên chữ là chùa Thiên Tâm ở xã Tương Giang và chùa Cổ Pháp ở Tân Hồng đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nước ta. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Chùa Thiên Tâm ở trên núi thuộc xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong. Theo Sử ký thì chùa này là chỗ sinh Lí Thái Tổ, bên cạnh chùa có viện Cẩm Tuyển, lại có chùa Tràng Liêu, sư Vạn Hạnh từng trụ trì ở đây”. Còn về chùa Cổ Pháp sách này viết: “Chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng huyện Đông Ngàn là nơi trụ trì của Lí Khánh Văn. Sử chép Lí Thái tổ sinh được 3 năm, thì người mẹ ẵm đến ở đây, được Khánh Văn nhận nuôi. Nay trong chùa có tượng mẹ Lí Thái Tổ”[1]. Về Thiền sư Vạn Hạnh, Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Vạn Hạnh người huyện Đông Ngàn, lúc bé thông minh khác thường, rộng thông ba học phái (tức Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo); xuất gia thâm thúy về thiền học, nói ra phần nhiều là lời sấm. Lê Đại Hành thường triệu đến hỏi công việc, Lí Thái Tổ phong quốc sư”[2].

Sang thế kỷ XI, được triều đình nhà Lý cổ súy nên Phật giáo ở Từ Sơn lại càng phát triển mạnh mẽ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1010, sau khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình), ra Thăng Long (Hà Nội), Lý Công Uẩn đã cho xây dựng 8 ngôi chùa tại phủ Thiên Đức. Dưới triều Lý, nhiều trung tâm Phật học được tổ chức tại Từ Sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Hai thiền sư Bảo Tính và Minh Tâm người huyện Đông Ngàn, từng dựng nhà hội đồng giảng kinh. Sau vào lửa thiêu hóa thành xá lị, Lí Thái Tông hạ chiếu đem xá lị để ở chùa Tường Thánh”[3]. Theo Thiền uyển tập anh, chùa Cảm Ứng thời Lý gọi là chùa Ba Sơn (Tam Sơn), được xây dựng từ thế kỷ XI là một trung tâm Phật giáo ở nước ta, nơi trụ trì hành đạo của nhiều bậc cao tăng thời Lý-Trần; nơi đào tạo tăng sư, cũng là nơi vua quan, quý tộc thường lui tới vãn cảnh, ngâm vịnh, đề thơ. Theo Việt Sử lược, chùa Cảm ứng là nơi Lý Công Uẩn trú ngụ, ăn học dưới sự dạy bảo của các thiền sư thời Lý.

anh tin bai

Đình làng Đình Bảng

Từ đó, Phật giáo tiếp tục truyền thừa và phát triển rộng khắp ở Từ Sơn, làng xã nào cũng ít nhất có một ngôi chùa. Vào thời Hậu Lê, Phật giáo được phục hồi, phát triển mạnh ở Từ Sơn với trung tâm thiền viện chùa ở Tiêu Sơn. Năm 2004, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhục thân của thiền sư Thích Như Trí, viên tịch năm 1723, vẫn còn khá nguyên vẹn ở chùa Tiêu. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Từ Sơn, hầu hết chùa chiền được trùng tu, xây dựng với quy mô lớn, sinh hoạt tôn giáo sôi động đáp ứng nhu cầu tâm linh của quần chúng.

Đạo Công giáo được các giáo sỹ dòng Đa Minh du nhập vào Từ Sơn (thôn Nguyễn Giáo, Đồng Nguyên) từ thời Gia Long đầu thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ có một số gia đình ở xóm Giáo thôn Cẩm Giang theo đạo, họ xây dựng một nhà nguyện nhỏ lợp tranh. Đến năm 1899, xứ đạo Cẩm Giang (còn gọi là Cẩm Đường) được thành lập do linh mục Đoan từ xứ Tử Nê (huyện Gia Lương) làm chánh xứ. Cũng năm này ông cho xây dựng nhà thờ xứ Cẩm Đường theo lối kiến trúc gôtích. Năm 1939, xứ đạo Cẩm Đường đã có 1.299 giáo dân[4], 22 giáo họ (họ đạo), trải rộng ở nhiều huyện, như họ Ngọc Liên, Ngọ Khổng, Đài Tiếu, Ấp Nét, Sơn Trà (Chè, Liên Bão, Tiên Du), Dũng Vi (Tri Phương, Tiên Du). Năm 2000, giáo xứ Cẩm Giang có 1.355 giáo dân, 6 giáo họ, thu địa bàn Từ Sơn và Tiên Du. Đến năm 2017, do một số giáo họ tách ra lập giáo xứ mới, nên giáo xứ Cẩm Giang còn lại 912 giáo dân, 3 giáo họ: Cẩm Giang 507 giáo dân, Đồng Lạng 140 giáo dân và Trà Sơn 265 giáo dân, ở Từ Sơn và một số xã thuộc huyện Tiên Du[5]

Nho giáo xuất hiện ở Từ Sơn từ đầu công nguyên. Đến thời Lý, Nho giáo và Nho học ở Từ Sơn phát triển rất mạnh. Nền Nho học ở huyện Đông Ngàn trước kia phát triển rực rỡ, có trên 100 người đỗ đạt đại khoa (tiến sĩ), chiếm trên 1/3 số người đỗ đạt của xứ Kinh Bắc xưa, với hàng chục làng khoa bảng nổi tiếng như Tam Sơn, Phù Khê, Hương Mạc, Phù Chẩn, Vĩnh Kiều, Trang Liệt, Kim Thiều,...

Ngoài tôn giáo, người dân Từ Sơn đa số theo tín ngưỡng đa thần, như thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ Mẫu, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, dòng họ ở Từ Sơn khá sâu đậm. Gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà; các dòng họ đều có nhà thờ tổ. Thờ cúng tổ tiên của người dân Từ Sơn không chỉ là một loại hình tín ngưỡng, mà còn là đạo lý uống ngước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên-những người đã khuất. Trong các gia đình, dòng họ có tục thờ cúng tổ tiên để củng cố gia tiên, còn làng xã có tục thờ tổ nghề, cao hơn là thờ thành hoàng để củng cố cộng đồng làng xã. Tục thờ thành hoàng ở Từ Sơn đã có từ lâu, các vị thần được thờ chủ yếu là nhân thần và là những người có công đánh giặc cứu dân, giúp nước, tạo dựng quê hương. Thờ thành hoàng gắn liền với lễ hội truyền thống, đã và đang được củng cố và phát triển.


[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.114.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.146-147.

[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.147.

[4] Trương Bá Cần: Công giáo Việt Nam sau quá trình 50  mươi năm 1945-1995. Công giáo và Dân tộc xuất bản 1996. tr.208.

[5] Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hôi Công giáo Việt Nam niên giám 2016, Nxb Tôn giáo Hà Nội 2016, tr.521.

 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH ỦY TỪ SƠN

Địa chỉ: Số 10 Lý Thái Tổ, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại :0222.383.5717

Email :dangbotuson@bacninh.gov.vn

thành ủy từ sơn

image banner