thành ủy từ sơn
Truyền thống yêu nước, cách mạng

Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, Việt Nam đã luôn bị ngoại bang nhòm ngó. Trong hoàn cảnh ấy thì bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành dũng sỹ. Thời Hùng Vương, khi giặc Xích Quỷ nhà Ân xâm lược nước ta, Thiên Cương, vị tướng người Đồng Kỵ đã cầm quân đánh tan quân giặc vào ngày 4 tháng Giêng. Ông được tôn làm thành hoàng làng và hằng năm có lễ hội đốt pháo diễn lại chiến công lừng lẫy của ông.

Thánh Gióng đánh giặc Ân và làng Phù Chẩn là nơi mà ngựa Gióng đã đi qua, phun lửa cháy cả lũy tre và tại làng Thọ Trai ngựa Gióng để lại những vết chân to biến thành ao hồ.

Sau khi Triệu Đà thôn tính nước Việt, vương hiệu thủ lĩnh đất Tây Vu (vùng Từ Sơn) vẫn được duy trì. Tây Vu vương đã lãnh đạo nhân dân chống lại Triệu Đà giành quyền độc lập, nhưng sau đó lại bị tên tả tướng Hoàng Đồng giết hại.

Thời Bắc thuộc, sự cai trị tàn bạo của nhà Hán đã làm dấy lên các phong trào đấu tranh, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra năm 40, đã thu hút đông đảo nhân dân Từ Sơn tham gia. Trong hàng ngũ tướng sỹ của Hai Bà có rất nhiều bậc anh hùng đến nay vẫn được nhân dân Từ Sơn thờ cúng. Cẩm Giang (Đồng Nguyên) có đền thờ Diệu Tiên, Pháp Hải, Quảng Khánh; Đình Bảng có đền thờ Chiêu Nương; Tương Giang có đền thờ Tam Quảng; Đồng Quang có đền thờ Tam Ngọ, Tam trinh…

Thời nhà Lý, Lý Đạo Thành quê ở Đình Bảng có công lớn giữ yên chính sự. Năm 1074, ông giữ chức Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, cùng Nguyên phi Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống giành thắng lợi.

Ở Đình Bảng còn có Châu Nương, vợ của Đốc bộ Hoan Châu Trần Thái Bảo. Bà đã cùng chồng bảo vệ Hoan Châu, được triều đình giao cho giữ kho tàng ở Thăng Long. Kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ ba, khi chồng hy sinh, bà đã thay chồng lo cất giấu binh lương và rồi không may bị giặc bắt.

Ngô Sách Tuân người làng Tam Sơn, đỗ tiến sỹ năm 1664, là một tướng chỉ huy tài giỏi đã lập nhiều chiến công chống quân xâm lược nhà Thanh ở vùng biên giới.

Thời Trịnh-Mạc, nhân dân Từ Sơn-Đông Ngàn đã nhiều lần nổi dậy chống lại sự thối nát của các tập đoàn phong kiến. Thời Lê Uy Mục, cuộc khởi nghĩa của Thân Duy Nhạc và Ngô Văn Tổng đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhân dân huyện Đông Ngàn lại tiếp tục hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Trần Cảo vào năm 1516. Năm 1522, Lương phú hầu Lê Bá Hiếu và Bảo xuyên hầu Lê Khắc Chương lại nổi quân ở miền Đông Ngàn-Gia Lâm chống lại triều đình. Nghĩa quân chống trả quyết liệt các cuộc đàn áp của Mạc Đăng Dung và cuối cùng cuộc khởi nghĩa thất bại.

Sang thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, năm 1824, nhân dân Từ Sơn đã hưởng ứng phong trào Bạch xỉ chân nhân, do Nguyễn Đình Khuyến phát động, chống lại triều đình và bị đàn áp.

Trong cuộc khởi nghĩa Cai Vàng nổ ra ở Yên Thế, phủ Từ Sơn cũng thuộc vùng kiểm soát của nghĩa quân. Năm 1862, nghĩa quân đã đánh thắng quân đội triều đình ở Đình Bảng, giết nhiều voi chiến và quân tướng triều đình.

Khởi nghĩa của Quận Tường (1866-1874) và Đại Trận (1870- 1875) cũng tràn xuống Đông Ngàn và giành nhiều thắng lợi.

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, năm 1873, Hoàng Văn Hòe, một sỹ phu thuộc thế hệ các nhà Nho chống Pháp đầu tiên đã lãnh đạo nhân dân Đông Ngàn phối hợp với quân triều đình vũ trang đánh Pháp.

Năm 1884, khởi nghĩa Yên Thế nổ ra, nhân dân Từ Sơn tham gia sôi nổi, nhiều gia đình có đến mấy người cùng tham gia, như ở Phù Khê có hai anh em Hai Cao, Hai Cán. Nhiều người ở Từ Sơn đã trở thành thủ lĩnh của phong trào, như Khán Dị, Nguyễn Hữu Cầu… Phù Khê trở thành một cơ sở tin cậy của nghĩa quân Đề Thám. Đình Bảng là nơi Đề Thám chỉ đạo vụ Hà Thành đầu độc ngày 27-6-1908. Còn ở Dương Lôi, tổng Định (Nguyễn Phát Hoành) đã cùng với Lang Thục (Xuân Thụ), Cử Lộc Hà, Cử Đông Ngạc, Tú Lâm, Chánh Hà, lập ra 17 lò rèn để sản xuất vũ khí nhằm chuẩn bị chống quân Pháp.

Các chí sỹ yêu nước ở Từ Sơn cũng tham gia tích cực phong trào Đông kinh nghĩa thục, như các cụ Ngô Gia Du (Tam Sơn), Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Duyên, Ba Đồ (Phù Khê)…

Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Từ Sơn đã sinh ra nhiều chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, tiêu biểu như đồng chí Ngô Gia Tự, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của các thế hệ ông cha là vô cùng vẻ vang, rất đỗi tự hào. Truyền thống đó đã được nhân dân Từ Sơn phát huy trong sự nghiệp chống thực dân xâm lược Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc. Còn ngày nay, truyền thống đó đã và đang được Đảng bộ Từ Sơn có nhiều giải pháp phát huy như một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đô thị hiện đại, văn minh.  

 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
 
thành ủy từ sơn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH ỦY TỪ SƠN

Địa chỉ: Số 10 Lý Thái Tổ, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại :0222.383.5717

Email :dangbotuson@bacninh.gov.vn

thành ủy từ sơn

image banner